Ngày đăng: 21-07-2025 Lượt xem: 365
Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho nhiều lĩnh vực, từ y tế, giáo dục đến truyền thông. Tuy nhiên, chính sự phát triển vượt bậc này cũng đang bị các thế lực phản động và đối tượng xấu lợi dụng như một vũ khí mới trên không gian mạng, nhằm xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Thực trạng này đang đặt ra thách thức lớn đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, an ninh quốc gia và trật tự an toàn thông tin trong bối cảnh mới.
Vô vàn hình thức lợi dụng AI để xuyên tạc
Chưa bao giờ việc tạo ra một đoạn video giả có hình ảnh và giọng nói giống y hệt một người thật lại dễ dàng đến vậy. Các công cụ như Deepfake, Voice Clone, Text-to-Video hay các nền tảng như Midjourney, Sora AI, D-ID… đã cho phép người dùng tạo ra những sản phẩm “ảo như thật”, gây khó khăn cho người xem trong việc phân biệt thật - giả.
Tận dụng công nghệ này, các đối tượng phản động, chống phá chế độ đã tung lên mạng xã hội hàng loạt video, hình ảnh mang hình thức chính danh nhưng nội dung bóp méo, xuyên tạc. Đơn cử mới đây, một số trang web, nền tảng mạng xã hội của một số đối tượng chống đối chính trị và tổ chức phản động như VT, L.T.K... co phát tán trên mạng các videoclip về hình ảnh, lời nói một số đồng chí lãnh đạo cấp cao "trao đổi" về các vấn đề mà người dân đang quan tâm, nhưng thực chất là sản phẩm cắt ghép và tổng hợp bằng AI, với lời lẽ hoàn toàn không đúng với quan điểm và tư tưởng của người bị mạo danh.
Không chỉ video, các hình ảnh dựng bằng AI cũng xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó có những bức tranh kỹ thuật số gán ghép hình ảnh lãnh đạo vào bối cảnh phản cảm, sai sự thật. Thậm chí, một số đối tượng còn tạo ra chatbot ảo giả danh lãnh đạo để "trò chuyện" với người dân, nhằm lồng ghép các thông tin sai lệch, vu cáo chế độ, kích động tâm lý phản kháng.
Đáng chú ý, các kênh YouTube và TikTok có hàng trăm nghìn lượt xem như (TB, VT, NKYN...) cũng đang lợi dụng làm phương tiện lan truyền thông tin giả mạo dạng “tin tức nhanh”, với “phát thanh viên AI” dẫn dắt bằng giọng nói giống người thật. Điều này khiến nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi, dễ nhầm tưởng là phát ngôn chính thống.
Những tác hại nghiêm trọng
Hình thức xuyên tạc bằng AI không chỉ gây nhiễu loạn thông tin mà còn đe dọa nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của lãnh tụ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, những nội dung bịa đặt tinh vi này có thể dẫn đến nhận thức lệch lạc, kích động tư tưởng chống đối, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch, việc lan truyền các nội dung sai trái này không khác gì đòn tấn công vào nền tảng chính trị - tư tưởng của chế độ.
Tác hại của công nghệ AI giả mạo không chỉ dừng lại ở mức cá nhân mà còn có thể trở thành công cụ phục vụ chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lý. Nó giúp các thế lực thù địch tiến hành “diễn biến hòa bình” với tốc độ và quy mô chưa từng có, trong khi các quy định pháp luật và hệ thống công nghệ kiểm soát thông tin vẫn chưa bắt kịp.
Đáng lo ngại hơn, do AI có khả năng học và cải tiến liên tục, nên các sản phẩm xuyên tạc ngày càng tinh vi, khó phát hiện bằng mắt thường, gây cản trở công tác kiểm duyệt, xác minh thông tin chính thống. Khi người dân mất khả năng phân biệt thật - giả, đó chính là lúc niềm tin bị đánh cắp dễ dàng nhất.
Cần làm gì để ngăn chặn và đẩy lùi?
Trong bối cảnh này, việc đấu tranh với nội dung xuyên tạc sử dụng AI cần được nhìn nhận là một nhiệm vụ trọng yếu trong công tác bảo vệ an ninh tư tưởng, an toàn không gian mạng và giữ vững niềm tin xã hội.
Trước hết, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý, sử dụng AI, trong đó có các chế tài xử lý nghiêm hành vi sử dụng công nghệ để tạo ra, phát tán thông tin giả mạo, xuyên tạc về lãnh đạo, tổ chức chính trị. Các quy định về xác thực tài khoản, gỡ bỏ nội dung sai phạm, truy vết nguồn phát tán cần được áp dụng nghiêm minh và kịp thời.
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ phát hiện deepfake và nhận diện nội dung AI giả mạo là hết sức cần thiết. Cần phát triển các công cụ kiểm tra giọng nói, phân tích chuyển động khuôn mặt, truy xuất metadata của video để giúp cơ quan chức năng, báo chí và người dân nhận diện thông tin bị làm giả.
Các nền tảng mạng xã hội quốc tế như Facebook, YouTube, TikTok cũng cần phải chịu trách nhiệm xã hội lớn hơn, phối hợp với cơ quan quản lý Việt Nam trong việc chặn lọc, cảnh báo người dùng về nội dung có yếu tố deepfake liên quan đến chính trị.
Một giải pháp lâu dài và bền vững là nâng cao năng lực truyền thông, kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tác động như người cao tuổi, học sinh, sinh viên. Song song đó, các cơ quan báo chí, truyền thông chính thống cần chủ động hơn trong việc phản bác thông tin sai trái, cung cấp thông tin kịp thời, đúng đắn để định hướng dư luận, tránh “nhường sân” cho các đối tượng xấu.
Cuối cùng, để không gian mạng thực sự lành mạnh, an toàn và tích cực, rất cần sự chung tay của mỗi người dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, trí thức trẻ, văn nghệ sĩ, nhà báo… trong việc phát hiện, đấu tranh, lên án và chặn đứng mọi âm mưu lợi dụng công nghệ để phá hoại tư tưởng, gây chia rẽ niềm tin./.
Minh Nghi